Nền móng đầu tiên của văn minh nhân loại
Lúa gạo là một trong năm loại cây lương thực chính của thế giới, là nguồn gốc của nền văn minh lúa nước lâu đời. Dấu vết của loài cây lúa hoang Oryza rufipogon được ước lượng đã xuất hiện từ 14.000 năm trước. Đây chính là gốc rễ của các loại lúa gạo được thuần hóa sau này.
Rất nhiều nghiên cứu được thực hiện và chứng minh việc thuần hóa một loài cây hoang dại thành nguồn lương thực chính bắt nguồn từ Trung Quốc, vào khoảng 8.200 năm trước tại vùng thung lũng Châu Giang. Các kỹ thuật trồng trọt cũng phát triển hưng thịnh và vẫn được áp dụng tới ngày nay. Trong các truyền thuyết của Trung Quốc, Thần Nông hay còn được biết với tên gọi Viêm Đế là anh hùng Trung Hoa có công dạy người dân nghề làm ruộng, chế ra cày bừa và là người đầu tiên làm lễ Tịch Điền (lễ được tổ chức sau khi thu hoạch) và lễ Hạ Điền (lễ được tổ chức trước khi gieo trồng).
Văn minh lúa nước bắt đầu lan rộng tới các vùng đất Đông Nam Á, Tây Á, trong đó có Việt Nam.
Theo cuốn First Farmers: The Origins of Agricultural Societies của Bellwood P, văn minh lúa nước bắt đầu tiến vào lãnh thổ Việt sau Trung Quốc khoảng 3.500 năm. Các bộ lạc có thể đã trồng lúa từ cuối thời đại Đá Mới, trong nền văn hóa Bắc Sơn, nghĩa là cách đây khoảng 6.000 năm. Trong thời gian đó, lúa gạo luôn được xem là sản phẩm kinh tế mũi nhọn, đặc biệt trong 3.000 năm trở lại đây. Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam là nước đứng thứ 3 về xuất khẩu gạo và đồng bằng sông Mekong là một trong những vựa lúa lớn nhất trên thế giới.
gạo và rượu
Từ nguồn sống thiêng liêng…
gạo và rượu
Trong lịch sử phát triển có bề dày nghìn năm, gạo là những nguồn lương thực thiết yếu và dồi dào nhất, đóng vai trò đặt nền móng phát triển văn hóa. Ở Ấn Độ, người ta gọi những hạt gạo là “Dhanya”, có nghĩa là nguồn sống của nhân loại. Còn ở Việt Nam, chúng ta cũng có tên gọi “Ngọc Thực”, so sánh hạt gạo quý như ngọc, là món quà vô giá của đất trời.
Câu truyện dân gian về sự tích Bánh Chưng, Bánh Giầy phần nào nói lên ý nghĩa của hạt gạo đối với người Việt. Tiết Liêu là con trai thứ 18 của Vua Hùng thứ 6 đã giành được quyền nối ngôi sau khi dâng lên hai loại bánh được làm từ Ngọc Thực. Bánh Chưng hình vuông tượng trưng cho bầu trời và mặt đất. Bánh Giầy hình tròn tượng trưng cho trời. “Vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo”, Tiết Liêu nghe theo vị Thần báo mộng như vậy nên làm theo, dâng lên vua cha món ăn không sơn hào hải vị nào sánh bằng. Phong tục dâng lên tổ tiên Bánh Chưng, Bánh Giầy ngày Tết Nguyên Đán vẫn được lưu giữ tới ngày nay. Vô số đặc sản được chế biến từ gạo cũng đã xuất hiện trên dải đất chữ S, mang những nét đặc trưng của lịch sử và văn hóa từng vùng miền.
Một số lễ hội được người dân tổ chức hàng năm ở các địa phương nhằm tôn vinh hạt gạo. Hội thổi cơm thi tại làng Thị Cấm, Hà Nội và đình Cơm Thi ở làng Thanh Đớn, Thanh Hóa gắn liền với việc tri ân danh tướng Phan Tây Nhạc, người con của đất Tống Sơn có công chống giặc ngoại xâm, dạy cho dân chăm lo việc nông trang từ thuở vua Hùng. Hội thổi cơm thi có 3 phần chính là thi kéo lửa, thi chạy lấy nước và thi thổi cơm, giã thóc thành gạo. Trước 11 giờ trưa, 4 đội thi phải hoàn tất những công việc chuẩn bị để bước vào cuộc tranh tài. Truyền thống này tới nay đã được lưu truyền hàng trăm năm. Các nghi thức được thực hiện chỉn chu và đầy đủ, thể hiện lòng tôn kính, biết ơn tới món quà của đất trời.
gạo và rượu
Đến chất men tinh hoa
Người xưa có câu “Vô tửu bất thành lễ”, ý nói dịp lễ tết, ma chay, hiếu hỉ mà thiếu đi ly rượu nghĩa là phần lễ tôn nghiêm không được trọn vẹn, là một sự thiếu sót lớn. Song song là nguồn lương thực, tinh hoa của gạo còn được chắt lọc trong rượu, là yếu tố làm giàu nền văn hóa lâu đời và phong phú của Việt Nam. Thật khó để khẳng định rượu bắt đầu xuất hiện từ bao giờ. Tuy nhiên, nhiều tài liệu khẳng định rằng đây là thức quý được vua chúa ưa dùng từ ngàn năm.
Phú Lộc là một xã thuộc tổng Văn Thai, nay là một thôn thuộc xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) là một trong những địa phương nổi tiếng với nghề nấu rượu thủ công. Theo truyền thuyết, Ma Há và Minh Kha là hai thôn nằm bên đường cái quan Nam Sách đi Cẩm Giàng. Vào thời kỳ giặc phương Bắc xâm lược, chúng đóng quân tại địa phương, mượn cớ mất một con ngựa, giặc triệt hạ cả hai thôn này, những người sống sót phiêu bạt bốn phương, khi đất nước giải phóng, họ trở về làng hợp nhất hai thôn thành một làng lấy tên là Phú Lộc. Mong cuộc sống hạnh phúc, phồn vinh, dân làng lấy nghề nấu rượu và nuôi lợn làm một nguồn sống bên cạnh nghề nông. Đến Thời Nguyễn, cả làng Phú Lộc được phép nấu rượu và rượu Phú Lộc đã nổi tiếng từ thời vua Thiệu Trị tới giờ.
gạo và rượu
Sử sách cũng ghi lại chi tiết thú vui thưởng rượu của vua Minh Mạng. Vào Tiết Trùng dương (ngày 9 tháng 9 âm lịch), vua đi chơi núi Ngự Bình, trăm quan làm lễ khánh thọ, lễ xong, vào hầu yến. Vua thân rót rượu cúc của vua dùng ban cho hoàng tử, thân công, đại thần văn võ, mỗi người một chén, và nói: “Rượu này rất tốt, trẫm uống 1 chén, 2 lần mới hết. Phan Huy Thực cũng chính là người biết uống rượu, đã phải cau mày chưa?”. Một số tài liệu còn tiết lộ rằng nhà vua để lại bài thuốc ngâm rượu Minh Mạng thang có công dụng tăng cường khí lực cho phái mạnh. Tuy nhiên, công thức cụ thể lại không xuất hiện trong tư liệu Thái Y viện triều Nguyễn.
Cho đến nay, ly rượu vẫn là yếu tố không thể thiếu trong phong tục tập quán người Việt, gắn liền với những sinh hoạt cộng đồng quan trọng như ngày Tết, các lễ hội, ma chay, cưới hỏi… Nếu là trong các lễ hội ở đình miếu, không có rượu trong phần lễ sẽ bị coi như thiếu sót. Ở các đám cưới hỏi, lúc nào chai rượu cũng được xếp trước trầu cau ở trên mâm. Muốn nói gì, thưa chuyện gì, chú rể đều phải rót rượu để trình rồi mới bắt đầu.
Tửu thực trùng phùng, liệu rằng sự xuất hiện của rượu có phải lời cảm tạ của chúng ta gửi tới đất trời, tới hạt Ngọc Thực quý giá? Có lẽ vì vậy nên rượu là yếu tố không thể thiếu trên mâm cỗ dâng lên thần thánh, tiên tổ. Trên bàn tiệc, ly rượu xuất hiện như chất keo gắn kết, để men say giúp mọi người mở lòng mình. Nếu như món ăn có thể giúp ta no bụng thì rượu cần cảm nhận từng giọt, để thấu bao cay đắng ngọt bùi, trầm bổng như hương vị cuộc sống.
CÂU CHUYỆN